Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 45: Khích tướng



Ngày thứ hai tự tập luyện trên bãi đất, hàng chục tráng niên bị thương, chủ yếu là đập thẳng mặt vào cột tre. Đau thì có đau nhưng vài đứa trẻ, mấy ông bà già và hàng chục cô gái mới lớn của làng Đường Vỹ rủ nhau ra xem đám thanh niên làng Vạn tập luyện. Họ bàn tán, chỉ trỏ, thi thoảng lại ồ lên khi có người bị ngã.

Giữ thăng bằng khi đi trên tấm phên tre đan tròng trành thực cũng là một thử thách cho những người vốn quen di chuyển trên bộ. Chương đã chỉnh lại dây thừng, cho đóng thêm cọc hai bên để giảm biên độ giao động nhưng phần đa các chàng trai đều phải hai, ba lần mới qua được.

Chỉ có trưa nắng thì tất cả mới chịu nghỉ ngơi, những người vốn chăm chỉ luyện võ, hành động mau lẹ nay lại bị một người chả biết gì về võ học làm khó với những chướng ngại vật tưởng chừng như giản đơn khiến các chàng trai không cam tâm. Bản thân các tráng niên không nhận ra rằng Chương đã khích tướng họ bằng cách treo thưởng. Vốn trước đây họ chỉ ăn, tập, làm đồng áng cho tốt, ai cũng làm giống nhau nên tính ganh đua chưa cao.

Lượng thân mình nhễ nhại mồ hôi, từ đầu xuống chân dính đầy cát, trán vẫn còn vệt tím đen ngồi phệt xuống bãi cỏ cạnh bờ tre than phiền với Nguyệt:

-Anh thầy của em thật là thâm hiểm, anh cứ nghĩ anh thầy chỉ biết chữ nghĩa với mưu lược kiểu như cái Duệ, ai mà ngờ còn có trò này.

-Anh chịu thua à? Thầy em vẫn bảo đánh nhau thì thầy bái tất cả làm sư còn ngoài ra thầy không sợ gì.

-Xưa nay anh không ưng mấy kẻ sĩ là thế, hừ…

-Anh phải cố lên, ngoài mấy thứ này ra em còn thấy thầy ngồi hoạ nhiều thứ lạ ngoài bãi cát. Tối qua bọn em có hỏi thì thầy nói thầy sẽ biến Đại đội Thiên Đức này giống như kỳ hiệu đang làm.

-Hả? Thứ hổ không ra hổ, trâu không ra trâu ấy ư?

-“Kinh thiên địa, khiếp quỷ thần” là câu thầy nói.

-Nhìn kỳ hiệu quả là kinh khiếp, đó là giống gì chứ? - Lượng chép miệng.

-Anh phải hiểu dụng ý của thầy em, ý thầy là muốn sau này người ta nhìn thấy kỳ hiệu cũng như nhìn thấy quân Thiên Đức này, ấy là kinh sợ mà chạy. Có vài điều về thầy mà cả chị Bình lẫn chị Duệ không biết nhưng em đã giúp thầy làm trước đây. Thầy có những thần khí có thể dẹp vạn quân nhưng thầy bảo cốt yếu vẫn ở con người. Anh biết thầy nói gì với chị Bình và chị Duệ không?

Cự Lượng lắc đầu.

-Thầy sẽ biến anh thành ông Ba Bị!

-Đấy là thứ gì?

-Ông Ba Bị ở xứ của thầy mỗi khi nghe là trẻ con đang khóc lập tức nín, trẻ hư nghe liền sợ.

-Sao anh thầy lại biến anh thành thứ đi doạ trẻ con?

-Nghĩa là thầy muốn sau này mỗi khi người ta nhắc đến tên Phạm Cự Lượng đều nể sợ. Địch quân thấy liền rút, những kẻ yếu vía sợ vỡ mật mà chết.

-Sao có thể?

-Em tin thầy em, em cũng muốn gả cho một người mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

-Em cứ yên lòng, chả cái gì làm khó anh được.

Đây cũng chính là chiêu khích tướng của Chương nhắm vào Lượng bởi Chương cần một vị chỉ huy gan dạ, dũng mãnh, mưu lược. Với bọn Phúc Lý, Cao Lịch và Kế Nguyên thì Chương dùng Duệ và Thiên Bình ngọt nhạt rằng không thể thua Lượng, bốn người mà chỉ có ba phần cần phải cố gắng để Lượng không được về làng Vạn. Duệ và Bình còn dúi vào tay các cô gái trẻ làng Đường Vỹ mỗi cô mấy đồng để ủng hộ cho ba vị trung đội trưởng hòng công bằng vì Lượng được Nguyệt chăm sóc.

Những chàng trai trẻ vì thế mà không từ nan, đêm xuống đốt đuốc luyện tập, mệt thì lăn ra vệ cỏ mà ngủ.

Trong khi ấy, Chương thuê bà con làng Đường Vỹ đan hàng trăm cái sọt có quai đeo cùng chừng ấy gậy tre. Đám trẻ con được thuê đi nhặt đá đủ các kích cỡ khiêng về bỏ vào sọt, mỗi sọt nặng áng chừng hơn hai chục cân. Những thứ này rồi đây các chàng trai đang hăng say luyện tập kia sẽ phải đeo trên lưng hành quân vào núi Linh Sơn, leo lên núi rồi quay trở về làng. Chương biết thanh niên Vạn Xuân khoẻ nhưng cậu muốn rèn sức bền, sức chịu đựng cho họ. Tất nhiên những điều này cậu chả tự nghĩ ra, bất cứ ai cắp sách đến trường đều biết đã có hàng nghìn thanh niên đi bộ vượt rừng với ba lô trên vai.

Qua Duệ, Chương biết được rằng khi đánh trận, sẽ có hàng trăm, hàng nghìn dân phu được huy động để chuyển quân lương theo sau. Chương muốn những binh sĩ dưới quyền Lượng có thể tự đem theo lương thực, tự lo mọi chuyện để họ cơ động hơn, xuất quỷ nhập thần.

Vài ngày sau, Chương về làng Vạn. Thiên Bình vẫn cưỡi ngựa đi cạnh bên. Những khoảng thời gian như vậy, Chương kể cho Bình nghe về hành trình dựng nước của những người mà Chương gọi chung là thầy. Bình chả biết Chương có bao nhiêu thầy, chỉ biết Chương nói toàn những điều lạ lẫm và thu hút. Bình ấn tượng với những câu chuyện về hàng trăm hàng nghìn nông dân đã quy tụ dưới cờ của một ông cụ. Dù tay không tấc sắt, chỉ có búa liềm, họ đồng lòng chống lại một đội quân đem theo thần khí, đánh họ tan tác thua chạy. Dù vô tình hoặc hữu ý, Chương đã gieo mầm trong suy nghĩ của Bình điều gì đó mơ hồ nhưng lại chân thực.

-Bốn hôm nữa, bác nên đến sớm.

-Ta thực cũng tò mò, để xem cháu có thể rèn được chúng không. Ta cũng không tin lắm đâu.

Phạm Tu gật gù đáp lời Chương, Triệu Quang Phục ngồi gần đó cũng thắc mắc:

-Những thứ giản đơn ấy chẳng lẽ lại có tác dụng? Ta cũng đọc nhiều binh pháp nhưng chưa từng nghe.

-Cháu thì không đọc binh pháp nhưng cháu nghĩ chú muốn đánh trận thì binh phải khoẻ, tướng phải dũng.

-Điều ấy thì phải. Được, ta cũng sẽ đi xem. Còn ông, có đi xem đám trẻ không?

-Thằng này lắm mưu nhiều kế, tôi cũng muốn xem nó làm trò gì. Nó thì luôn mồm bảo không biết việc quân mà nghe nó nói thật tôi mới nghĩ mình chả biết gì.

Đoàn Thượng cười ha hả.

-Ta sẽ cho những người thân thích trong quân của cháu đi cùng.

Chương bổ sung lời Phạm Tu:

-Nên thêm các cô gái làng mình nữa ạ.

Phạm Tu lắc đầu nói với Quang Phục và Đoàn Thượng:

-Tuổi trẻ bồng bột, cả đám ấy đều bị thằng Chương nó khích giờ khác nào con trâu. - Đoạn ông hỏi Chương - Còn hiệu kỳ quái đản của hai đứa con gái đã xong chưa?

-Hôm nay cháu về làng cũng muốn lấy về, chị Ngọc có hẹn cháu rồi.

Chợt Chương đứng lên, dáng vẻ nghiêm túc:

-Ngày hôm ấy cháu cũng làm lễ thượng cờ, chính thức cho bà con trong vùng biết có một đội quân trực thuộc Thiên Gia Bảo Hựu.

-Thế là bọn già chúng ta phải ăn mặc tươm tất ư? Có cần đem lễ lạt gì theo không?

-Nếu được bác và hai chú đến làm chủ, tế trời đất và chúc phúc thì không còn gì bằng.

-Được, cứ theo ý cháu. Thôi, về chỗ bà Dung đi, bà ấy ngóng.

Chương đi rồi, chỉ còn lại ba người đàn ông bên bàn tre với những chén trà nóng, họ nhìn nhau rồi Phạm Tu nói:

-Hai ông đã thấy rồi đấy, nó làm khác chúng ta lúc trẻ, làm những điều bọn ta chẳng biết nhưng các ông thấy nó có dáng dấp của một bậc quân vương không?

-Thằng bé không có dáng dấp quân vương, tôi rất khó nói, chỉ là tôi cảm thấy rằng nó đang muốn giúp những người khác trở nên mạnh hơn theo cách của nó. - Triệu Quang Phục đánh giá.

-Chính là vậy. - Phạm Tu gật gù. - Các ông đừng chỉ nên chú ý đến đám trai tráng. Ngay con Bình với con Duệ cũng đã thay đổi rất nhiều, hễ mở miệng là sẽ khen thằng bé, không phải khen kiểu yêu đương trai gái mà trong mắt chúng, ta thấy sự nể phục kẻ tài cao. Chúng muốn theo.

Triệu Quang Phục và Đoàn Thượng cùng đồng tình, Phạm Tu nói thêm:

-Ngoài việc chúng ta gầy dựng thêm quân sĩ thì phải giúp đám trẻ hết lòng, chúng sẽ làm nên cơ đồ. Hai ông thấy sao nếu ta giao hoạ đồ cho thằng Chương?

-Đó là chuyện sớm muộn, ông nên bàn tính với thằng Di kẻo…

Phạm Tu cắt ngang lời Quang Phục:

-Chính thằng Di đã nói với ta như vậy. Thằng Chương không giấu bản thân là người mưu lược, toan tính trước sau song mưu tính ấy đều dành cho một người, nếu các ông tinh ý sẽ nhận ra. Mà nói thật thì có khi chính thằng Chương nó cũng không biết.

-Ông nói rõ hơn cho chúng tôi cùng nghe.

-Mỗi lần về đây ta có hỏi chuyện, cái Bình đều say sưa nói về những điều thằng Chương kể. Ta ngờ rằng thằng bé đang muốn dạy con Bình trở thành một đầu lĩnh thực thụ, ôm mộng lớn.

-Sao có thể, con bé mới mười bảy nào đã biết gì? Thêm nữa di chiếu tiên vương truyền lại đã dặn chúng ta phải khuông phò hậu nhân. Theo như ý chỉ và lời sấm, chẳng lẽ… sau này cái Bình sẽ thành thân với hậu nhân của tiên vương?

-Bấy lâu nay các ông đều nghĩ hậu nhân tiên vương chọn là một hoàng tử?

-Chả lẽ có ý khác? - Đoàn Thượng chau mày.

-Tiên vương có hàng chục hoàng tử nhưng không chọn ai. Các ông nhớ năm xưa trưởng công chúa bị bắt mất chứ?

Cả hai người cùng gật đầu.

-Các ông có thấy cái Bình và bà Dung giống nhau?

Phạm Tu vừa dứt lời thì Triệu Quang Phục và Đoàn Thượng đều thất kinh.

-Họ là mẹ con ruột thịt và Thiên Bình chính là trưởng công chúa. Đấy là bí mật mà ta chôn chặt bấy lâu nay, năm sau Thiên Bình cũng tròn mười tám.

-Như vậy là… là…

Đoàn Thượng nói không thành câu trong khi Triệu Quang Phục trầm ngâm.

-Theo suy nghĩ của ta hiện tại, rồi Vạn Xuân này sẽ có một vua bà, chỉ là không biết bằng cách nào mà thôi.

-Từ đời tổ tiên còn truyền lại đến nay chúng ta không có vua bà. - Triệu Quang Phục nói. - Đây là một thử thách rất lớn, e là…

-Ta mong các ông bền gan vững chí, chúng ta không phải bậc hủ nho, trước sau chỉ trung thành với tiên vương thì đó là vua bà hay vua ông chúng ta cũng theo. Tiên vương đã giao phó, chúng ta sống là người của tiên vương, thác cũng là bề tôi của người. Hai ông thấy thế nào?

Triệu Quang Phục và Đoàn Thượng nhất loạt đứng nghiêm hành lễ:

-Đều theo phân phó của Tả Đô đốc!

Phạm Tu bảo hai người ngồi xuống rồi cùng bàn bạc thêm, quả thật muốn cầu hiền tài trước hết Thiên Gia Bảo Hựu phải trở nên lớn mạnh trước đã.

Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều