Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 39: Tương tư và Nhớ!




Sau hơn ba ngày ẩn nấp trong rừng, Thiên Bình cùng đội quân tóc dài lợi dụng đêm tối thâm nhập vào vùng Siêu Loại theo sự dẫn đường của Tôn. Tôn và hai đứa khác xin làm mục đồng, một vài đứa đóng vai mẹ con với những người đi cùng Thiên Bình. Đặc biệt, Nguyệt cũng đi cùng Thiên Bình trong vai hai chị em. Nguyệt từng làm người ở nên có kinh nghiệm, cô nằng nặc đòi theo nên Cự Lượng không cản được.

Thiên Bình, Nguyệt cùng người đóng vai mẹ xin làm người ở trong nhà hào phú tại làng Nguyệt Đức. Đây cũng chính là nơi Tôn đang xin làm người ở chăn trâu, được nuôi ăn ngày ba bữa, tiền công mỗi tháng hai chục đồng. Ngôi làng này cách chỗ Cự Lượng ẩn nấp trong dãy Linh Sơn khoảng hơn sáu dặm đường. Nguyệt Đức là một làng lớn, khá đông dân nằm ven con sông nhỏ mà người dân gọi là sông Dâu vì hai bên bờ sông toàn một màu xanh bạt ngàn của những cây dâu. Sông Dâu chảy về hướng núi Linh Sơn rồi uốn lượn quanh chân núi sau đó đổ ra sông Thiên Đức.

Vị hào phú họ Nguyễn, người trong vùng thường gọi là ông Cả Lụa vì ông buôn bán vải lụa mà trở nên giàu có, gia nhân trong nhà lên đến trăm người. Ông Cả Lụa có đội bảo tiêu hơn hai chục người thường áp tải hàng hoá mỗi khi có giao dịch. Là một hào phú, ông Cả Lụa ủng hộ nhiều tiền bạc cho Lý Lệnh công đổi lấy sự che chở cũng như không bị quân của Lý Lệnh công gây khó dễ trong việc làm ăn.

Trang viên của ông Cả Lụa là Nguyễn gia trang vô cùng rộng lớn trổ ra hướng Đông Nam, nằm dọc theo sông Dâu hòng tiện cho việc giao thương, vài bến đò luôn có sẵn hai, ba chục thuyền nhỏ neo đậu. Khu nhà chính, theo như Cự Lượng nói, được xây theo kiểu tứ hợp viện của Hoa quốc để vị hào phú và gia quyến ở. Những ngôi nhà nhỏ lợp ngói âm dương đỏ tươi nẳm rải rác trong trang viên dành cho gia nhân và đội bảo tiêu. Trâu bò thuộc sở hữu của hào phú cũng đến hơn năm chục con được nhốt trong khu chuồng riêng biệt gần lối ra cánh đồng sau nhà.

Ngoài nhà hào phú này còn nhiều hào phú khác nằm rải rác ở các làng nhưng sau khi cân nhắc thiệt hơn, dựa vào thông tin đội của Tôn chuyển về hàng ngày và tính toán đường lui thì Chương quyết định chọn Nguyễn gia trang làm mục tiêu khởi sự bởi có rất nhiều lợi thế.

Chương muốn trở thành… ăn cướp! Cướp của nhà giàu chia lại cho người nghèo bằng cách riêng.

Kế sách ăn cướp này là một mũi tên trúng nhiều cái đích.

Chương cần lương thực, tiền bạc, trâu bò để xây dựng ít nhất một ngôi làng cho ba đến năm trăm người ở. Dân ngôi làng ấy Chương muốn kéo từ bên bờ Bắc sông Thiên Đức sang, lo cho họ chỗ ăn chỗ ở và cả ruộng vườn. Tả Đô đốc Phạm Tu đảm bảo đủ nguồn lực để Chương dựng dăm ngôi làng như Chương muốn nhưng cậu lại bảo đó xem như của để dành.

Chương muốn người khác dựng hộ!

Tưởng rằng Lý Lệnh công yên phận nhưng nếu Lý Lệnh công có ý dẹp Thiên Gia Bảo Hựu quân bằng cách đưa quân qua thượng đạo thì ngoài việc phao tin đồn thất thiệt về cọp beo sang bên Siêu Loại thì Chương muốn họ rối hơn bằng cách quấy phá các hào phú.

Chương học kinh doanh, dù mới chỉ là sinh viên năm thứ ba, nên cậu hiểu rằng một sứ quân muốn lớn mạnh phải phải có sự hỗ trợ tiền tài lớn từ các hào phú. Đổi lại những người này sẽ nhận được những lợi ích nào đó. Điều này được khẳng định khi Duệ cho hay bên Vũ Ninh vương cũng thế. Nếu ngang nghiên phá việc làm ăn của họ sẽ có nhiều bất lợi, chi bằng tính kế dọn sạch gia sản của một hào phú sau đó lại tung tin thất thiệt tạo hoang mang trong dân chúng. Các hào phú khác ở Siêu Loại sẽ vì thế mà nâng cao cảnh giác, họ đã nộp thuế đầy đủ để được làm ăn mà nay bị dọn sạch thì ít nhiều cũng lo sợ hoặc bất mãn. Dân chúng mà không yên, hào phú mà cảnh giác thì Lý Lệnh công nhất định phải vỗ về và tạm gác lại việc động binh với Thiên Gia Bảo Hựu quân ít nhất cũng đôi ba tháng. Ba tháng đủ để Chương tính kế khác, chưa kể Duệ nói giáp Tết thì ít ai động binh.

Làm sao để Lý Lệnh công không nghi cho Thiên Gia Bảo Hựu quân rất khó, lại kết hợp với việc những toán binh vào rừng một đi không trở lại thì đến bảy phần mười họ sinh nghi nhưng từ nghi hoặc đến động binh cũng cần có thời gian. Chương bàn kế sách này với Phạm Tu và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của những đầu lĩnh dưới trướng Tả Đô đốc. Duệ bổ sung thêm rằng khi Lý Lệnh công cho sứ giả đến hỏi thì đút lót cho sứ giả thật hậu nhằm kéo dài thời gian.

Để thực hiện kế hoạch của Chương một cách hoàn hảo, Phạm Tu đã giao cho Bỉnh Di hơn năm trăm tráng sĩ, phân nửa số quân ông hiện có. Tất cả số quân này đều đã chia thành những nhóm nhỏ dựng trại ở trong rừng.

Theo kế hoạch của Chương, những thứ nhắm đến trong trang viên của hào phú họ Nguyễn là vải vóc vì mùa đông sắp đến, kế đó là tiền bạc vì sau này cần giao thương và trâu bò, nếu được, để cấp cho những lưu dân. Sau khi bàn bạc kỹ với Chương và Duệ, Bỉnh Di truyền lệnh xuống dưới tất cả Thiên Gia Bảo Hựu quân khi hành động đều sẽ đeo khăn trắng trên đầu để nhận ra nhau đồng thời không được hạ sát người trong trang viên.

-Chúng ta đến đó lấy tiền vàng, lương thảo chứ không lấy mạng người. Trong khi hành động sẽ bịt mặt và dùng ám hiệu, hạn chế nói chuyện với người trong trang viên để giấu tung tích. Trong trang viên có người của chúng ta, trước giờ khởi sự sẽ có ám hiệu để nhận ra nhau, ai đọc đúng ám hiệu thì đó là người của ta.

Đây xem như là quân lệnh, quân lệnh này tất cả đều phải học thuộc.

Tiếp đó, Chương thống nhất với Bỉnh Di rằng thuyền bè lấy của Nguyễn gia trang sẽ dùng để chở vải vóc xuôi về sông Thiên Đức sau đó giấu thuyền thật kỹ, sau dùng cho việc khác. Trường hợp thuyền không chở hết thì mỗi người ôm về theo khả năng. Trâu bò sẽ do nhóm của Tôn rong về trong đêm, Tôn đảm bảo làm được chuyện này vì ba năm trời cậu sống với đàn trâu nhưng cũng cần người trợ giúp phòng bất trắc. Trong kế hoạch này, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu sẽ lo xoá dấu vết và nếu có biến sẽ chặn hậu, Xuân lo phần hậu cần.

Trong suốt nửa tháng trời Thiên Bình đi làm người ở cùng với Nguyệt thì Chương và Duệ bàn đi tính lại kế hoạch nhằm không để xảy ra một sơ suất nào dẫn đến hỏng chuyện. Đôi ba lần Duệ đã thắc mắc rằng, liệu việc cả một đội quân đi cướp của một hào phú như này có đúng không? Lộ ra thì sao? Chương đã nói:

-Tốt nhất đừng để lộ ra sẽ tốt hơn, có những chuyện sống để bụng, chết đem theo. Tôi cũng không để vị hào phú đó thiệt thòi, cứ coi như chúng ta mượn của ông ta, sau này sẽ trả cả gốc lẫn lãi.

-Nhưng sau này là khi nào?

-Khi bờ Nam sông Thiên Đức này, nghĩa là cả vùng Siêu Loại, nằm trong sự kiểm soát của Thiên Gia Bảo Hựu quân.

-Ta thật bất ngờ khi Tả Đô đốc lại đồng ý với kế này của anh, điều ấy trái với những gì ta biết về Tả Đô đốc.

-Để đạt được cái lớn hơn bắt buộc phải hi sinh cái nhỏ hơn. Đây cứ xem như lời cảnh cáo dành cho Lý Lệnh công. Ông ta có một vạn quân, khi nào Thiên Gia Bảo Hựu có hơn năm nghìn tinh binh thì tôi sẽ tính kế cho ông ta về vườn đuổi gà vui thú điền viên trong sự cai quản của cô, được chứ?

Duệ tin Chương sẽ làm được, chẳng căn cứ vào đâu cả bởi khi con người ta phải lòng kẻ khác thì đen cũng hoá trắng cơ mà.

Hơn một tuần kể từ khi Thiên Bình vào Siêu Loại thì tin tức do cô thu lượm được mới có, cũng chỉ là những tin liên quan đến thói quen thường nhật trong Nguyễn gia trang, số lượng người cụ thể, cách bố trí của đội bảo tiêu.

Vài ngày sau, Tôn cho người đưa tận tay Lượng một tờ giấy nhỏ do Thiên Bình viết kèm theo lời dặn phải đưa tận tay Chương. Khi nhận, Chương tưởng là… thư tình nhưng không phải. Hoá ra trong khoảng thời gian làm người ở, Nguyệt đã giúp Thiên Bình luyện viết bảng chữ cái thành thục. Tờ giấy chỉ to bằng lòng bàn tay, thứ giấy mỏng màu xám nhạt, thô ráp như giấy dó. Một mặt ghi chữ “TƯƠNG TƯ” to đùng, nét viết như giun bò. Mặt còn lại chỉ có hai dòng ngắn gọn: “Hăm sáu có ba thuyền buôn phương Bắc đến giao vải vóc.”

Đây là tin tức vô cùng quan trọng, còn năm hôm nữa đến ngày hăm sáu.

Chương vội viết thư trả lời bằng chữ của Bụt, chỉ là những câu hỏi như: Giao hàng xong khi nào? Hàng sẽ để ở đâu? Đoàn thuyền buôn ở lại hay về… Đến khi gấp thư lại định giao cho thân quân đem đưa cho Lượng thì Chương mới sực nhớ ra hai chữ tương tư. Nghĩ đến cô gái đành hanh đã sang Siêu Loại hơn nửa tháng chịu hầu hạ người khác và làm hàng tá việc nặng, Chương bỗng mủi lòng, cậu viết một chữ “Nhớ” ở mặt sau.

-Thật là một chữ mà nặng tựa ngàn cân, có thể khiến con người ta nhảy vào vạc dầu mà vẫn tươi cười.

-Duệ đừng ví von như thế, ghê hết cả người.

-Nếu ta đi vắng nửa tháng như thế liệu anh Chương có nhớ?

-Tốt nhất cô đừng đi, thế là được.

Câu trả lời của Chương lại khiến Duệ đỏ mặt và cố giấu vẻ đắc chí, cả đêm trằn trọc, ngủ cũng cười.

Hai ngày sau, thư của Thiên Bình lại được chuyển về cùng hai chữ tương tư, ngẫm ra lại hay, thứ chữ Quốc ngữ Chương dạy bỗng phát huy tác dụng khi chẳng mấy ai có thể đọc được. Trong thư này Bình cho biết đoàn thương buôn sẽ ở lại một đêm, trưa hôm sau mới về. Trưa ngày hăm tám thì số vải vóc sẽ được đem lên kinh thành.

Bỉnh Di, Cự Lượng, Quang Diệu, Xuân, Võ Văn Dũng và Phạm Hữu Thế tụ họp cấp tốc ngay trong rừng cùng Chương. Cả bọn thống nhất sẽ hành động và đêm ngày hăm bảy, vừa hay cuối tháng trời không trăng.

Chương viết thư báo lại ngày giờ hành động và mật hiệu để nhận ra nhau, chả biết đùa hay thật, Chương lại chọn nhữ “Nhớ” làm mật hiệu. Bỉnh Di cười lớn:

-Nghe chừng cậu Chương nhớ hơi nhiều, cậu lan truyền nỗi nhớ ai đó đến năm trăm quân, ta thật chưa từng biết dù đã đọc binh pháp đến mờ mắt.

-Anh Di bớt đọc binh pháp và tìm một cô gái, ta sẽ dựng cho anh một túp lều lý tưởng với đôi chim câu.

Chương định viết thêm một chữ nhớ nhưng thấy Duệ cứ nhón chân nhìn nên lại thôi, dù gì mật hiệu cũng đủ rồi.

-Sao anh Chương không viết?

-Nhiều người nhớ đủ rồi, tôi nhớ thêm cũng là thừa.

Hai má của Duệ lại ửng đỏ, ngay đến Chương cũng chẳng thể ngờ bản thân cậu lại có ngày giống một trap boy đến vậy.





Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều