Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 16: Tao ngộ




Ba cô gái từ trong rừng đi ra, người đi đầu tiên là Thiên Bình, theo ngay sau là Xuân và Duệ. Ba cô gái cùng nhau đi săn chim từ sáng sớm và thu hoạch tương đối tốt, cứ nhìn Xuân và Duệ cùng nhau khiêng đòn gánh treo những con chim là biết. Số chim này do Xuân và Bình bắn hạ, Duệ đi cùng thu gom và buộc lại. Ngoài số chim, Xuân còn bắt được một con lợn rừng lạc mẹ, buộc mõm và Bình đang vác trên vai bước phăm phăm đi trước.

Gần đến bìa rừng, Bình chợt khưng lại trong giây lát, chậm rãi đặt con lợn rừng nhỏ xuống lá khô dưới chân, trở đầu con dao nhỏ đang cầm trong tay. Xuân và Duệ thấy lạ nhưng phản ứng cũng mau lẹ. Xuân tiến đến cạnh Bình, Bình ra hiệu cho Xuân quan sát phía trước. Xuân lặng lẽ rút một mũi tên từ ống tre đeo sau lưng đặt lên cung rồi cùng Bình nhón từng bước không hề gây ra bất kỳ tiếng động nào.

Bình ngồi xuống vạch cành lá, Xuân ngồi cạnh bên, cả hai cùng hướng sự chú ý đến mục tiêu là một người đàn ông vấn khăn đầu rìu, áo nâu sồng vá chằng vá đụp, quần ống rộng bạc màu y như váy đụp cũ của phụ nữ đang ngồi dưới gốc báng nhai bắp ngô nướng. Người đàn ông này không khiến Xuân và Bình cảm thấy chút đe doạ này mà chính mạng sống của người đàn ông đang trong thế ngàn cân treo sợi tóc mà ông ta không hề hay biết.

Một con rắn hổ mang to gần bằng cổ tay trẻ nhỏ đang trườn từ trên cây xuống, Bình quay sang nhìn Xuân, cả hai cùng nhoẻn miệng cười, khẽ gật đầu rồi bất thần đứng bật dậy. Khoảng cách chừng hơn hai chục thước, Bình phóng dao còn Xuân kéo căng dây cung mau lẹ, con dao nhọn và mũi tên cùng bay đến mục tiêu. Bình có lợi thế hơn vì cô phóng trước còn Xuân dù có nhanh đến mấy cũng tốn thời gian kéo dây. Cả hai cùng đạt được điều mình muốn, ấy là hạ gục con rắn.

Chương đã mắc kẹt ở Vạn Xuân hơn ba tháng, hy vọng trở về thì vẫn còn nhưng mỗi ngày trôi qua, cậu cảm thấy đường về như xa hơn. Về bằng cách nào luôn là câu hỏi đau đáu lởn vởn trong tâm trí cậu trước khi chìm vào giấc ngủ hàng đêm. Chương không phải là một chàng trai mạnh mẽ, cậu tự đánh giá bản thân như vậy, bằng chứng là nhiều đêm cậu thức giấc mà hai mắt ướt đẫm. Hình ảnh của bà, của bố mẹ, của em gái xuất hiện trong giấc mơ của Chương. Hy vọng khiến người ta có thêm nghị lực sống nhưng tuyệt vọng sẽ khiến con người ta trở nên khó kiểm soát, muốn buông bỏ tất cả. Chương từng nghĩ đến việc nhảy xuống sông, biết đâu đó là cách sẽ khiến cậu trở về thực tại nhưng… nhảy ở chỗ nào? Quan trọng hơn cả là Chương chưa đủ dũng khí.

Lúa ngoài đồng đã gặt, Chương đã giúp bà Cả Ngư gặt lúa. Chương không biết cầm liềm thành thục nên chỉ đành giúp bà Cả Ngư xếp lúa, bà Cả Ngư bó lại sau đó Chương ôm từng bó về nhà. Dưới trăng khuya, bên ngọn đèn dầu phụng bập bùng để ở cửa nhà, Chương giúp bà Cả Ngư đập lúa, tuốt lúa rồi cho vào cối đá giã. Chương muốn một ngày nào đó có thể thiết kế ra máy tuốt lúa chạy cơm và cậu vẫn nung nấu ý định, bản vẽ đã có trong đầu.

Sau vụ gặt, Nguyệt được về thăm nhà cả tuần trời. Cô tíu tít khoe với Chương thành quả học tập, thật ra mà nói thì không tiến bộ mấy so với lúc cô rời đi. Tuy nhiên Chương rất vui bởi những gì cậu dạy đều được Nguyệt thuộc làu làu. Thời gian ngắn ngủi Nguyệt ở nhà, Chương dạy thêm cho Nguyệt cách ghép vần, những từ mà Nguyệt học không còn quanh quẩn chỉ những vật dụng thường ngày nữa mà Chương đã dạy Nguyệt viết sông, núi, tên đất nước, tên vua, tên làng và cả tên người. Trước khi Nguyệt rời nhà, Chương đã viết kín bốn mặt giấy các từ, các chữ để Nguyệt ôn tập trong thời gian sau đó. Có thể nói, niềm hân hoan của cô học trò từng tặng Chương một cái chày giã cua vào gáy phần nào an ủi Chương trong những tháng ngày buồn tẻ.

Nguyệt đem về một bọc quần áo cũ cho mẹ, Chương cũng có hai bộ, giở ra xem thấy áo vá chằng vá đụp, quần thì có một cái thủng một bên mông và… cái váy đụp màu đen cũ. Nguyệt đã dùng kim chỉ khâu váy đụp thành cái quần cho Chương và cái quần cũng có một miếng vá to bự. Chương rất cảm động khi nhận quà từ cô học trò. Nhìn bộ dáng của Chương sau khi vận mấy bộ quần áo này chẳng khác nào kẻ hành khất ở thời hiện đại, nhất là Chương còn lười cạo râu. Chương của bây giờ giống như người đàn ông tuổi ba mươi với làn da đen sạm, râu ria mọc lởm chởm, mái tóc tự cắt bằng kéo thủ công chẳng biết giống kiểu nào.

Chương đã gặp được thằng cu Tôn khi nó tạt vào nhà bà Cả Ngư, đó là một thằng bé gầy nhẳng như ốm đói, chỉ có cặp mắt sáng lộ rõ vẻ tinh ranh. Nó hứa giữ mồm giữ miệng. Chương cũng chẳng có gì đền đáp ơn cứu mạng của nó, cậu bây giờ còn nghèo hơn cả chị Dậu, ăn bám bà cụ nghèo.

Mấy hôm trước Tôn tạt qua nhà thăm ông nội và cùng tắm sông với Chương vào buổi chiều tà rồi ngồi nướng cá ven bờ sông. Chả biết đền ơn thằng Tôn cái gì, Chương gợi ý việc dạy chữ, nào ngờ thằng Tôn đồng ý ngay vì đó là một thứ mới mẻ. Học được hai ngày với vài chữ cái lận lưng, Tôn rủ Chương đi chăn trâu cùng cho biết đó biết đây, Chương hỏi bà Cả Ngư, bà cụ đồng ý nên Chương khăn gói quả mướp theo thằng Tôn.

Đám bạn chăn trâu của Tôn có hơn chục đứa, tuổi từ mười hai đến mười bốn, hầu hết đều chẳng còn bố hoặc mẹ, cuộc sống đứa nào cũng cơ cực y như nhau. Chương rất thương đám trẻ nhưng rồi cậu nhận ra rằng, khi con người ta cơ cực quá, xung quanh ai cũng cơ cực như nhau thành ra chúng chẳng thấy khổ. Những đứa trẻ chăn trâu nô đùa suốt ngày, Chương không thấy chúng buồn lúc nào cả.

Cánh đồng bây giờ chỉ còn trơ những gốc rạ.

Đàn trâu mà Tôn và đám bạn mục đồng chăn có khoảng hơn năm chục con, thêm độ chục con nghé. Chủ của đàn trâu này là mấy gia đình khá giả trong vùng, Tôn và các bạn chăn thả trâu ven sườn núi, bên một con suối nhỏ từ trong núi chảy ra. Thi thoảng chủ hoặc gia nhân thay mặt chủ của những con trâu sẽ đến kiểm đến, đem thức ăn cho trẻ mục đồng. Đám trẻ dùng rơm rạ, cành cây dựng hai cái lán nhỏ trên thân cây ven bìa rừng để ngủ lại. Chương đã ở với đám trẻ được ba ngày, dạy chữ cho chúng nó lúc câu cá, khi thì trên mình trâu, kể cả khi tắm dưới suối. Tất cả chúng đều gọi Chương là thầy. Tôn bảo chỉ con nhà giàu mới được học chữ, Chương dạy chữ cho chúng, như vậy chúng cũng được xem là giàu. Nghe vậy Chương cho là phải. Chương nói với đám trẻ đây là chữ… của Bụt, khác hoàn toàn với chữ của Hoa quốc, vậy nên sau khi đọc thông viết thạo thì có viết ra cũng chỉ những người cùng hoc mới hiểu. Chương và lũ trẻ cùng thống nhất đây sẽ là bí mật chung, không nên cho người ngoài biết.

Lúc rời nhà, bà Cả Ngư gói ghém cho Chương mấy nắm gạo, hơn chục bắp ngô và mấy củ khoai lang và sắn. Những thứ này Chương đều ăn chung với bọn trẻ, đổi lại, đám trẻ hái rau rừng, quả rừng và câu cá dưới suối, bắt chuột đồng thui rơm cho Chương ăn. Trải nghiệm cuộc sống mới, Chương với bớt nỗi nhớ gia đình. Đám trẻ từng thắc mắc về hai món đồ Chương đem theo, ấy là một cây gậy dài độ hai gang tay có màu xám, rất cứng và túi da Chương đeo bên hông đựng bên trong một cục sắt hình thù kỳ lạ. Chương bảo là kỷ vật của bố mẹ để lại nên đám trẻ mới không hỏi nữa.

Trưa nay, Chương thư thả ngồi bên gốc báng gần suối nhâm nhi bắp ngô nướng, mấy đứa trẻ ngủ lăn lốc trong lán gần đó, vài đứa khác câu cá dưới suối. Đang ăn, Chương nghe thấy trên đầu có động phát ra, cậu ngước đầu nhìn lên, thứ đập vào mắt cậu là… một con rắn đang nhe nanh chuẩn bị đớp cậu nhưng một con dao, giống như dao găm, đã ghim chặt đầu con rắn vào thân cây. Chớp mắt một cái, Chương thấy thêm một mũi tên đang rung lên bần bật ghim thân con rắn chặt vào thân cây.

Chương không kịp phản ứng hay đúng hơn là chẳng có phản ứng nào, bắp ngô cắn dở rơi xuống đất từ khi nào chẳng biết. Chương như hoá đá, há hốc miệng ngạc nhiên chẳng nói được lời nào, dù là một tiếng ú ớ. Thời gian trôi qua hàng chục giây, Chương chỉ choàng tỉnh khi có mấy giọt máu nhỏ từ trên cao xuống. Chương đứng bật dậy định bỏ chạy nhưng chân cậu nhũn ra, khuỵ ngã lăn vài vòng.

Chương nằm sõng soài thở hắt ra, toàn thân run rẩy cố ngẩng đầu lên nhìn lại cây báng cậu vừa ngồi. Con rắn to khiếp!

Có tiếng sột soạt, Chương nhìn về hướng đó và ngạc nhiên không kém khi phát hiện ra hai cô gái nhảy ra từ phía sau một lùm cây đối diện chỗ ban nãy cậu ngồi. Cô gái trẻ đầu tiên có mái tóc đen tết đuôi đằng sau, có đính một vật gì đó trên đỉnh đầu, gương mặt thanh tú, vận quần áo màu đỏ sẫm, dây lưng vải màu tối, đi chân đất. Chẳng để tâm đến Chương, cô gái này bước thẳng đến chỗ cây báng nhón chân rút con dao ra, ngoái lại nói với cô gái còn lại:

-Chị phí một mũi tên, con dao nhỏ này của em đã đủ hạ gục nó rồi. Chị cần phải nhanh hơn nữa mí được.

-Hư… đừng có tự cho mình là giỏi, vừa rồi đứa nào cố tình vung tay che tầm nhìn của chị? Thật không biết xấu hổ.

-Túm lại là chị hãy còn chậm, lần sau cần cố gắng hơn.

-Đồ mặt dày.

Cô gái còn lại có vấn khăn ruột tượng, gương mặt trái xoan, cũng xinh đẹp không kém với làn da sáng, vận quần áo na ná cô vừa rồi, chân cũng đi đất, một tay cầm cung, bên vai trái có mấy mũi tên. Hai cô gái này vừa mới cứu Chương thoát thỏi tử thần trong gang tấc.

-Ông chú này còn nằm ở đó nữa hả? Đứng dậy! Lần sau ngồi ở đâu phải cẩn thận, con này nó mà tợp cho một cái thì về chầu ông bà ông vải ngay đấy, cứu không được đâu.

Cô gái vận quần áo đỏ quay sang nói với Chương trong khi dùng lá cay lau tạm con dao. Chương lồm cồm dậy, vẫn còn sợ, toàn thân vẫn run lẩy bẩy, lấm lét nhìn hai cô gái vừa mới cứu mình. Chương chưa biết phải nói gì, cậu lúng túng nhưng lời tiếp theo của cô gái vận quần áo đỏ sẫm khiến Chương chỉ ước dưới đất có một lỗ để chui xuống.

-Ê, hai chị nhìn này, ông chú sợ đến nỗi tè ướt cả quần. Khiếp, đàn ông đàn ang gì mà nhát thế hả trời?

Cô gái cười phá lên, cô còn lại chỉ đứng đó khoanh tay nhìn Chương rồi cười nửa miệng. Chương vô thức cúi xuống nhìn đũng quần, quần tối màu sao cô ta lại nhìn ra được? Nhưng… cãi sao được? Chả phải dưới chân Chương có một bãi nước chảy từ chân cậu xuống hay sao?

Nhục không để đâu hết! Sao lại có thể?

Từ bụi rậm có thêm một cô gái chui ra, cô này cũng đẹp không kém và đáng vẻ có phần thục nữ hơn hẳn. Bằng chứng là cô ấy không cười vì Chương… sợ vãi tè, thay vào đó nhìn cậu cười rồi cúi đầu thay cho lời chào.

Cô gái ấy chính là Duệ.

Dù không biết ba cô gái vừa xuất hiện là ai song Chương có thiện cảm vì cô ấy… không cười cậu! Chỉ đơn giản là vậy thôi.










Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều