Ván Bài Lật Ngửa

Chương 129: Phần VIII - Chương 09 phần 1




P8 - Chương 9
Theo Thùy Dung thì Nhu ngửi được đôi chút về quả bóng căng thẳng sắp vỡ nhưng lại cố giữ vẻ bình thản. Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia hiểu rõ việc phải làm khi “bravo” khởi sự; đích thân Nhu chỉ thị cho ông chi tiết của kế hoạch. Bản danh sách dài dặc - những người sẽ bị bắn ngay khi súng nổ, những người sẽ bị biệt giam để khai thác, những người an trí lâu dài… Chỉ kể nhân vật tiếng tăm, Thùy Dung đếm trên hai trăm ngàn, trong đó, loại một - loại phải chết không cần hỏi cung lên đến hàng chục, đứng đầu là tướng Có, Đại tá Đỗ Mậu, tướng Xuân, Thiếu tá Nguyễn Bá Liên… Riêng tướng André, Nhu nghĩ sao không rõ – có thể người vợ Huỳnh Hữu Hiền đã vô hiệu hóa tướng này – nên không có tên trong danh sách. Big Minh cũng không có tên. Luân biết danh sách tại chỉ huy sở của Tôn Thất Đính. Nhu hoàn toàn không bàn với Luân, anh ta tự ghi tên và đích danh đánh máy – theo Luân, chỉ đánh máy bốn bản, Nhu giữ một, còn ba bản thì giao cho Tổng Giám đốc cảnh sát, Tôn Thất Đính và Tổng Ủy trưởng tình báo.
Tôn Thất Đính thắc mắc về trường hợp của Big Minh. Tất nhiên, giả vờ thắc mắc. Luân nhún vai. Anh không khó phát hiện cái gượng gạo của Đính.
- Với tôi, cả bản danh sách đều vô lí!
Đính kinh ngạc thật sự:
- Đại tá không tán thành sự phân loại này?
- Tôi không tán thành toàn bộ kế hoạch “bravo”…
- Ồ! – Đính kêu to - Vậy mà tôi vẫn nghĩ đại tá là tác giả của bản kế hoạch…
- Tôi không thích! Đơn giản như vậy…
- Nhưng, chính ông cố vấn cử đại tá chịu trách nhiệm với tôi… hoặc chính xác hơn, chỉ huy tôi.
- Thiếu tướng đã nghe ông Nhu nói về vai trò của tôi. Đó là quyết định của ông Nhu và tôi không còn cách nào khác hơn là chấp hành. Nhưng, tôi không chỉ huy và ngay cả cùng chịu trách nhiệm tôi cũng thấy mình không đủ tư cách…
- Ở đây, không có vấn đề tư cách xét theo cấp bậc. Nhưng tôi đồng ý: từ khi được giao trách nhiệm, đại tá lơ là. Tôi cho rằng đại tá kín đáo, tế nhị…
- Thưa thiếu tướng, điều cật vấn lương tâm tôi ở chỗ khác. Tại sao? Tại sao phải có “bravo” và tại sao lại phải có “bravo tiếp theo” - Giọng Luân bình thản, đều đều.
Mặt Tôn Thất Đính biến sắc. Anh ta mất tự chủ, đánh rơi bản danh sách xuống bàn, ngó Luân trân trối. Dù cho năm phút trước giờ cử sự, Luân vẫn có thể gông cổ Đính và thế là mọi thứ tan tành… Liệu lão thầy bói có phải là người của Luân không? “Bravo tiếp theo” là quy ước của Đính với nhóm André.
Luân liếc Đính, gần như đọc rành rọt từng ý nghĩ ẩn hiện trong đầu viên tướng có bộ vó lấc cấc và đầy tâm địa phản trắc. Nói chung, Luân ít giao du với Đính vì nhiều lẽ. Lúc Luân vừa nhập vào gia đình họ Ngô thì Đính chưa có tiếng tăm gì, cấp bậc rất thấp, lại thuộc hoàng tộc, là đối tượng mà Diệm rất nghi ngờ. Đính thích phô trương dòng dõi vua chúa trong khi họ “Tôn Thất” đông đến hàng vạn, những râu ria nhà Nguyễn. Đính vốn cao ngạo, tốt nghiệp trường võ bị Pháp, xem Luân như gã vô danh tiểu tốt ở bưng biền, nhảy phóc tận bếp núc nhà Ngô, nơi mà Đính rất thèm nhưng không được. Sau cùng, Đính nổi tiếng ăn chơi trác táng còn Luân giữ một cuộc sống gần như mô phạm. Trong công vụ, hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhưng ngoài cái bắt tay xã giao họ chưa lần nào nói chuyện riêng ngay với tư cách sĩ quan chớ chưa phải bạn bè.
Những năm gần đây, qua các tin đồn đại, Đính bắt đầu ngại Luân: một tay mưu trí, lập được nhiều công, Mỹ tin cậy như một thứ con bài dự trữ. Dự một số cuộc họp quân sự, nghe Luân thuyết trình hoặc phát biểu, Đính thay đổi dần cách nhìn Luân - một gã hiểu biết nhiều, sắc sảo. Và Đính tự thấy mình kém hơn. Ít thạo chính trị. Đính càng gờm Luân - cả sợ, phục và ganh. Luân hiểu Đính kĩ và sâu hơn là Đính hiểu Luân. Một tay rỗng tuếch, háo danh, ngang với háo quyền lực, háo tiền và háo gái, ti tiện trong cư xử - nịnh bợ Diệm. Tệ hơn Trịnh Minh Thế, Nguyễn Đình Thuần và các loại đầu cơ khác. Trong bàn cờ này, Nhu quá chủ quan, bị lòng tin của Diệm lôi cuốn nên không bao giờ mang tâm địa của Đính ra mổ xẻ - nếu làm việc đó, Nhu thừa sức lột mặt Đính khi Đính trở cờ. Tất nhiên, Đính trở cờ vào những ngày gần đây thôi, song không phải không có những triệu chứng dễ thấy. Nhu bước vào thế “đánh xả láng” và anh ta nghĩ rằng mọi tính toán của anh ta đã thật chi li, thật chặt. Phòng thủ từ xa, Nhu có Huỳnh Văn Cao và Nguyễn Khánh. Vùng 3 và đô thành có Đính, tiếp cận có Bùi Đình Đạm, sư trưởng ở Mỹ Tho và Nguyễn Văn Thiệu, sư trưởng ở Củ Chi, hải quân thuộc Hồ Tấn Quyền, không quân thuộc Huỳnh Hữu Hiền, liên binh phòng vệ có Lê Quang Tùng. Cảnh sát thì khỏi cần bàn. Nhu ngại Nguyễn Bá Liên, chỉ huy thiết giáp song, mỗi Liên sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Gia đình Liên đồng hương với Diệm, Diệm khi thất thế đã nhờ cậy cha của Liên, Diệm không ưa Liên: đòi hỏi của anh ta về chức tước, theo Diệm, hơi lố. Đúng ra, nếu trước kia yêu cầu xin lên chức của Liên không khó thỏa mãn - Diệm từng đặc cách phong quân hàm cho hàng trăm sĩ quan – nhưng sau này Nhu khuyên Diệm nên thận trọng đối với đồng hương bởi thiên hạ xầm xì khá rộng và Mỹ nhiều lần không bằng lòng. Nhu nắm chắc Liên bất mãn và chờ dịp phản bội.
Điều hệ trọng khác, rất quyết định, ấy là bộ máy thông tin của Nhu bị nhiễu - người ta giấu Nhu. Nhu lờ mờ về quyền lực của bản thân mà không hiểu rằng đại sứ quán Mỹ mới đúng là một thứ Phủ Tổng thống hạng siêu và lũ bộ hạ của Nhu - cả bộ hạ chính trị lẫn mật vụ - hướng về đường Hàm Nghi hơn là về Dinh Gia Long. Vụ Phật giáo càng thúc đẩy chúng canh chừng cái lắc, cái gật của Cabot Lodge

- Tôi và đại tá đều có tín ngưỡng tôn giáo là Phật giáo chứ không phải Công giáo, song cả hai chỉ mong điều thiện… - Tôn Thất Đính ấp úng.
Luân cười mỉm: “Tôn Thất Đính mà cũng định thuyết giảng về tôn giáo!”
- Ở đây không có chuyện về tôn giáo, về ước vọng. Ở đây chỉ có chuyện những quân nhân phục tùng kỉ luật. Tôi không tán thành kế hoạch “Bravo” và những cái tương tự, song tôi sẽ chấp hành…
- Nghĩa là? – Đính hỏi đột ngột. Hỏi xong biết hớ. Đính cúi lượm bản danh sách, che giấu bối rối.
- Nghĩa là tôi thực hiện chỉ thị của thiếu tướng! Tôi muốn nhắc, ngoài “Bravo” còn có “Horse tail”…
Đính ngó Luân một lúc, hơi lâu
- Horse tail? Cái đuôi ngựa? Cái mô?
- Rồi chúng ta sẽ biết!
Viên tướng bắt tay Luân thật chặt. Khi Luân rời trại Lê Văn Duyệt, Đính hối hả gọi điện cho Trần Văn Đôn. Hai người gặp nhau, Đính thuật lại lời của Luân. Đôn trầm ngâm nghe, sau đó bảo:
- Mỹ bật đèn xanh rồi. Bất kể thằng Luân thuộc cánh nào nó cũng không dám cãi lại Mỹ.
- Có đúng là Mỹ bật đèn xanh không? – Đính vẫn do dự - Tướng Harkin thế nào?
- Harkin thì giữ quan điểm khác. Ông ta đã loan báo một bộ phận quân đội Mỹ sẽ về Mỹ ăn Noel này. Tạm thời, không hé ra chút gì cho Harkins biết. Nhưng người chỉ huy ở đây là Cabot Lodge… Cabot Lodge sốt ruột lắm rồi…
- Tôi ngại Harkins! Ông ta mà trở quẻ thì chúng minh tiêu tùng sạch! Tuy chỉ có chục nghìn lính Mỹ, chúng nó có thể ngăn trở chúng ta…
- Đừng lo! Cứ theo kế hoạch. Tôi có thể đảm bảo với thiếu tướng. Không có gì trục trặc từ phía Mỹ…
Cam đoan hăng hái với Tôn Thất Đính như vậy nhưng Trần Văn Đôn gặp liền Conell.
- Tôi được phép nhân danh Đại sứ Cabot Lodge chính thức thông báo với các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa rằng nếu các tướng lĩnh dám hành động và hành động thắng lợi thì sẽ không hề xảy ra một trong những điều sau đây: Mỹ can thiệp vào nội tình Việt Nam Cộng hòa, Mỹ ngưng viện trợ cho Chính phủ mới. Tôi chỉ nhắc ông: hành động của các ông thất bại. Mỹ không giúp được gì, kể cả cho tị nạn chính trị. Về tướng Harkins, hãy đặt ông ấy trước việc đã rồi. Ông ấy là quân nhân và chỉ biết nghe lệnh của Tổng thống nước Mỹ.

- Còn Nguyễn Thành Luân? – Đôn hỏi.
Conell cười khẩy
- Ông ta được nhiều cây dù che như đại sứ, thống tướng Taylor, tướng Harkins, tướng Jones Stepp nhưng tôi nghĩ rằng ông ta không gây rối cho các ông…
- “Horse tail” là cái gì?
Mặt Conell vụt tái:
- Ai nhắc tên đó với trung tướng?
- Nguyễn Thành Luân nói với tướng Đính.
- Thế à…Một ám hiệu gì đó, tôi không rõ… - Conell lấy lại bình tĩnh.
André không kịp nhận xét thái độ hoảng hốt của Conell.
- Tại sao Luân biết “Horse tail?” – Conell lầm bầm.
*
**
Sáng 31/10, Ngô Đình Nhu làm hai việc: trả lời nữ kí giả Suzane Lebin và trả lời đài truyền hình Mỹ CBS.
Với nữ kí giả, Nhu nói toạc: ông Cabot Lodge luôn luôn hành động chống lại chúng tôi với một thành kiến bất di bất dịch mà quan thái thú tại một xứ bảo hộ có thể có được trước đây ba mươi năm với một xứ bảo hộ. Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng một cách hết sức để chứng minh rằng mỗi trò chơi của ông Cabot Lodge chắc chắn chỉ có thể làm lợi cho Cộng Sản và đang rơi vào bẫy Cộng Sản nhưng càng cố gắng chứng minh sự thật thì ông Lodge lại càng hiểu ngược ý chúng tôi. Ông Lodge có gan buộc tôi và vợ tôi rời khỏi Việt Nam. Cô thử tưởng tượng nếu đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn lên tiếng buộc Tổng thống Kenedy phải ra lệnh cho bào đệ của ông là Thượng nghị sĩ Robert Kenedy và em dâu phải dời Mỹ thì gia đình Kenedy sẽ phản ứng như thế nào? Theo những gì chúng tôi được nghe, được thấy thì ông Đại sứ Cabot Lodge không hề làm phận sự đại sứ tại một quốc gia đồng minh có chủ quyền là nâng cao tinh thần chiến đấu và hợp tác của quân đội Mỹ được gửi đến đây giúp chúng tôi chống Cộng sản, ông ta chỉ lo việc âm mưu chống lại Chính phủ hợp pháp mà ông ta đã trình ủy nhiệm thư.
Nữ kí giả Lebin cười duyên dáng
- So sánh của ông cố vấn cũng như bà cố vấn về vai trò của ông bà và vai trò của ông bà Robert Kenedy có vẻ không hợp lí lắm… Ở đây, người Mỹ muốn nói một tình trạng khác…

- Họ nói rằng chúng tôi lộng quyền chứ gì? – Nhu hậm hực.
- Đại khái như vậy…
- Họ không hiểu phương Đông!
Và Nhu bồi tiếp một nhận xét, lấy của Bayard Talor từ giữa thế kỉ trước:
- L’Amérique est un angle-saxon retombe dans une semi-barbarie
Lebin vẫn duyên dáng ghi câu ấy.
Với hãng CBS, Nhu trả lời – chưa bao giờ Nhu trả lời với báo chí kiểu đó.
- Chế độ Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản Việt Nam khác nhau, hết sức rõ ràng song khác nhau về ý thức hệ trong khi chúng tôi cùng một huyết thống. Còn chúng tôi với Mỹ, chẳng có gì chung cả!
Bài Nhu trả lời nữ kí giả Lebin và đài truyền hình CBS chỉ mấy giờ sau, nằm trên bàn giấy của Tổng thống Kenedy.
*
**
Sáng ngày 1/11/1963 - nhằm thứ sáu và mười sáu tháng chín âm lịch Quý Mão. Một buổi sáng bình thường khi mùa mưa chấm dứt. Trời trở mát dù nắng vẫn chói chang.
Đô đốc Harry De Felt, Tổng tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương đến Dinh Gia Long chào từ biệt Tổng thống Diệm sau mấy ngày công cán tại Việt Nam. Trưa nay, đô đốc dời Sài Gòn. Cùng đến Dinh Gia Long với Felt có Đại sứ Cabot Lodge. Việc Lodge đến Dinh Gia Long khiến Diệm vui. Trong mươi ngày nay, Lodge không gặp Diệm, thậm chí, vài lần Diệm phải gõ cửa đại sứ quán mà Lodge viện đủ cớ không tiếp. Người ta xem như Lodge trả đũa Diệm: khi Lodge nhận chức đại sứ, Diệm cũng viện đủ cớ không tiếp Lodge.
Nhưng, bây giờ, Lodge đã ngồi giữa phòng khách Dinh Gia Long.
- Tin đồn đảo chính ngày càng rộng - Diệm bảo thẳng hai người khách – Tôi muốn nghe ý kiến của đô đốc và đại sứ.
Felt cười xã giao ngó Lodge. Dĩ nhiên, người phải trả lời là Lodge.
- Tổng thống biết đấy, tin đồn bao giờ cũng chỉ là tin đồn… - Lodge, với tất cả thái độ tự nhiên đã giúp cho li sâm banh mà họ vừa cụng thêm ngọt.
- Chính sách của Tổng thống Mỹ trước sau cũng chỉ nhằm thắt chặt tình bạn bè giữa hai nước. Tôi rất vui mừng khi thấy không khí chính trị vài hôm nay được cải thiện ở Sài Gòn và Huế - Lodge nhấn mạnh.
- Đúng, tôi đã ra lệnh thả tất cả những người bị bắt từ tháng năm đến nay qua các biến động… - Diệm thỏa mãn.

Felt và Lodge chào Diệm. Ông tiễn họ ra tiền sảnh.
Quanh Dinh Gia Long, những chiếc xe bọc thép nằm bất động - từ vài tháng nay, chúng túc trực để ngăn ngừa các cuộc biểu tình. Ngoài ra, tất cả đều im ắng. Hôm nay, ngày lễ các Thánh, công sở nghỉ. Hơn nữa, Liên binh phòng vệ chỉ để lại thủ đô vài đại đội, phần lớn được điều ra vùng có chiến sự theo lệnh của Nhu. Kế hoạch “Bravo” dự kiến tạo bất ngờ: Liên binh phòng vệ không quân ở Sài Gòn nghĩa là không có điều gì bất trắc xảy ra cả. Các tướng lĩnh và phe đối lập nhất định mất cảnh giác, Nhu sẽ tóm gọn, bằng lực lượng của Tôn Thất Đính. Đẩy lực lượng của Lê Quang Tung đi xa thủ đô theo gợi ý của Đính, Nhu đánh giá cao gợi ý ấy…
Đúng là Cabot Lodge sốt ruột. Diệm đã thay đổi nước cờ - ông giải tỏa tất cả các chùa, thả một số tăng ni và Phật tử, học sinh sinh viên bị bắt. Phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc sửa soạn một báo cáo chính thức gửi Tổng thư kí Uthant. Nếu đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và dư luận thế giới biết được báo cáo này, kế hoạch thanh toán Ngô Đình Diệm gặp trở ngại hầu như khó vượt qua, bởi không phải ai khác mà chính Tổng thống Kenedy ra lệnh đình chỉ mọi kế hoạch. Trong trường hợp đó, Cabot Lodge trở thành cái bia của mọi đường bắn: Diệm, tướng lĩnh Nam Việt, Harkins và luôn Kenedy cùng Bộ Quốc phòng.
Đã có thêm mấy vụ tự thiêu nữa – song tác dụng kích động giảm hẳn so với trước kia. Kéo dài tình trạng hiện nay đưa đến một loạt hậu quả - tất cả sẽ trút trách nhiệm lên đầu viên đại sứ: Việt Cộng đánh rã hệ thống Ấp chiến lược trên một diện rộng. Diệm hồi phục thế lực có nghĩa là chiến dịch thanh trừng nội bộ quân đội Nam Việt mở đầu với mức hung hãn chưa từng thấy mà “những người bạn của Mỹ” sẽ hoặc bị xóa sổ hoặc bị về vườn. Diệm rất có thể đi một bước tai hại – công khai nêu vấn đề thương lượng với Việt Cộng…
Điện mật. Gửi Đại sứ Cabot Lodge. Đài tiếng nói Hoa Kỳ sẽ phát lời nhắn tin: Bạn khỏi mua Whisky ở P.X. Lí do: Tình hình có vẻ không cần các biện pháp dự kiến. Tổng thống bắt đầu lo ngại. Kí: Dean Rusk và Marc Cone.
Điện mật. Gửi ngoại trưởng Dean Rusk. Khoan phát lời nhắn tin tai hại ấy. Sẽ có kết quả trong vài giờ nữa. Kí: Cabot Lodge.
Người giúp Cabot Lodge thở phào là Ngô Đình Nhu. Conell đã báo cáo với Cabot Lodge vào sáng nay. Nhu quyết định ngày giờ nổ “bravo” và Đính đang sửa soạn bấm nút.
Điện mật. Gửi ngoại trưởng Dean Rusk. Khi đô đốc Felt trên đường về Honolulu, mọi việc sẽ tiến triển như dự kiến. Kí: Cabot Lodge.
Điện đàm giữa Mai Hữu Xuân và Trần Văn Đôn.
Xuân: Tại sao tôi được lệnh thả tất cả những người bị giam ở Quán Tre… Lệnh đó rất xấu…
Đôn: Thiếu tướng khoan thực hiện. Sẽ thả vào giờ nào, tôi thông báo sau…
Xuân: Nhưng Cao Xuân Vỹ đến kiểm tra… Tôi là chỉ huy trưởng của trung tâm, không thể không thi hành lệnh của ông cố vấn.
Đôn: Cứ tìm cách trì hoãn…
*
**
Bức thư đặt trên bàn tướng André. Đó là bức thư tay, phong bì màu trắng, trên góc in hàng chữ: Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Hiệp chủng quốc Mỹ. Nếu không có dấu hiệu đặc biệt như vậy, tướng André không bóc ra. Hàng đống thư trên bàn, đều là thư riêng, số không ít là của các nhân tình…Đồng hồ chỉ mười giờ hơn, xé phong bì ra, một phong bì thứ hai màu hồng, thoảng mùi nước hoa. Ngó nét chữ, André biết là ai gửi ình. Kèm theo trang giấy là mấy tấm ảnh màu. Tướng André tần ngần ngắm mấy bức ảnh. Kỉ niệm cũ vụt sống dậy. Bãi biển. Biệt điện Buôn Mê Thuột, Đà Lạt. Ngay tại đây, trên salong này, và một tấm ảnh mới nhất: bãi biển Ý. Cô ta vẫn còn rất hấp dẫn. André tìm một cách so sánh: vợ Huỳnh Hữu Hiền tất nhiên mơn mởn hơn song ấn tượng lưu lại trong ông chưa thể sâu bằng cô ta.
Anh yêu,
Em viết cho anh mấy dòng giữa cuối thu ở Mỹ. Em nhớ anh, muốn gọi điện nhưng ngại. Anh hiểu chứ. Em biết anh chóng quên em bởi cô gì vợ của viên chỉ huy không quân. Phần em, không bao giờ quên anh, quên những phút sống cạnh anh…