Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 141: Hồn Về Cố Hương (XXVI)




***
Âm binh không thể vào bên trong khu nghĩa địa, điều này hẳn đã là ma thì vong nào cũng hiểu còn tôi lúc này sau khi nhận thấy tiếng trống trận đã không còn vang lên thúc giục đội quân nữa thì đã lờ mờ đoán ra rằng hành động tiếp theo của chị Ma, những ông Tam cùng với đội quân ma đầu chít khăn trắng bởi tôi đã từng là một phần trong số họ.

Chị Ma đã rút vào bên trong bãi Cầu Khoai cùng những vong khác, họ rút rất nhanh, rõ ràng là đã có hiệp đồng từ trước. Ngay khi những vong hồn có hộ khẩu Cầu Khoai rút lui thì những hồn ma không cư trú ở nơi này dường như cũng chỉ chờ có vậy rút chạy qua cầu Khoai nhanh như cái cách mà họ nhập cuộc trước đó. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức mặc dù tôi đã lờ mờ đoán ra được mà cũng phải bất ngờ. Thế nên chính đội âm binh họ Phạm cũng đứng ngây hết cả ra, những vị đầu lĩnh của đội quân này liên tục hét lớn yêu cầu binh lính dưới quyền đề cao cảnh giác hòng sẵn sàng đối phó với âm mưu của đối phương.

Vì thế trận hỗn chiến chẳng mấy chốc mà có lằn ranh rõ ràng. Nhóm hồn ma khăn trắng sau khi rút qua cầu Khoai thì ngay lập tức trấn giữ một bên đầu cầu khiến âm binh truy đuổi dồn lại ở phía đầu cầu phía bên đường cái quan. Cầu Khoai là một cây cầu tạm, tất nhiên với những vong hồn thì chỉ cần một thân tre nhỏ bắc ngang mương thì họ vẫn qua lại dễ dàng, vì vậy cầu Khoai dù cũ kỹ và có dấu hiệu mục nát vẫn không ảnh hưởng gì đến việc băng qua. Tuy nhiên, một vài âm binh không may mắn đã trở thành ma da khi truy đuổi đối phương quá gắt gao. Nói dễ hiểu thì cầu Khoai bây giờ là con đường độc đạo, nhỏ hẹp, âm binh không thể xếp hàng ba, hàng bốn mà đi qua, nhiều lắm chỉ xếp được hàng hai để tấn công mà ngay cả thằng trẻ con như tôi cũng nhận ra rằng đây chẳng khác nào nhiệm vụ tự sát. Vong hồn tiêu tán có khi còn sung sướng hơn là làm ma da quanh quẩn ở một khúc mương nhỏ.

Chả mấy chốc, quân sĩ hai bên ùn ứ hai bên đầu cầu thi nhau thách thức, buông lời chửi bới, miệt thị lẫn nhau. Tôi đứng từ xa nhìn cũng chỉ biết lắc đầu cười khổ khi nhìn thấy đội cung thủ còn lại của đội âm binh bắt đầu tập hợp lại, nhanh chóng di chuyển về hướng cầu Khoai và màn đấu khẩu chỉ kết thúc khi những mũi tên rời khỏi dây cung. Những hồn ma khăn trắng hè nhau bỏ chạy toán loạn rồi bóng dáng của họ mất hút trên cánh đồng trải đầy ánh trăng khuya.

Ba nhóm quân, một nhóm đã rút chạy, nhóm lớn rút vào bên trong bãi tha ma và đó chính là lý do đội quân gạo rang do chị Đẹp chỉ huy mặc dù rất thiện chiến nhưng đã bị tiêu diệt gọn khi đối phương tập trung binh lực dồn ép, vây chặt. Như đã kể, tôi đinh ninh rằng chị Đẹp đã lệnh cho đội quân này rút nhưng không, chị ấy đã ra lệnh cho đội quân này tử chiến. Tôi không biết quân âm binh họ Phạm bị thiệt hại bao nhiêu để diệt gọn số binh gạo rang nhưng chỉ cần làm một phép tính tiểu học cũng có thể ước lượng được rằng con số thiệt hại không ít hơn năm mươi, mạng đổi mạng, hồn đổi hồn.

Tiêu diệt xong đội binh gạo rang, âm binh họ Phạm tập trung quân thành hai đến ba hàng quân dàn hàng ngang dọc theo ranh giới giữa bãi tha ma với đường cái quan, lá cờ lớn vẫn bay phấp phới trong gió lạnh, tiếng trống lại vang lên nhưng nếu chú ý có thể dễ dàng nhận ra rằng âm thanh đã khác, bởi vậy tôi đồ rằng âm binh gõ trống bị diệt cả nên được thay bằng âm binh khác.

-Con đàn bà chết bằm kia, mày đừng có chui rúc trong xó xỉnh đó, mau ra đây!

Ai đó lớn tiếng, giọng chị Ma đáp lại:

-Chúng mày có giỏi thì vào đây, chị chờ!

-Con điên, con dở hơi xơi cám lợn, mày bước ra đây cho ông!

-Mấy thằng mặt quắt tai dơi, đánh nhau thua cả đàn bà đừng có đứng đấy mà to mồm, vào đây, vào đây!

Hàng chục cái miệng phụ họa “vào đây” theo chị Ma rồi họ cùng phá lên cười vang không quên kèm thêm đôi ba lời chế giễu đối phương.

-Chúng mày cứ trốn, cứ nấp ở trong đấy đi! Chúng mày sẽ không thoát được đâu, lũ chuột nhắt, bọn hèn hạ!

-Sao chúng tao phải trốn? Đây là nhà chúng tao cơ mà, ô hay!

-Chúng mày không mau ra đây thì đêm nào bọn tao cũng sẽ trực chờ ở đây, đóng trại ngay ở đây! Bọn khốn, hồn vía chúng mày sẽ chết đói, kể từ đêm nay chúng mày sẽ không đi được đâu nữa.

-Thằng râu xồm kia mày nói nói thừa rồi! – Vẫn là giọng chị Ma. – Bấy lâu nay chúng tao cũng chỉ quanh quẩn trong bãi này, có muốn cũng không đi đâu được nên chúng mày không cần dọa. Chúng mày có mời chắc chị gì chị đã đi, ơ kìa!

-Bọn đần! – Vong nào đó bên trong Cầu Khoai hét lớn và ngay sau đó rộ lên âm thanh phụ họa.

Chị Ma chờ cho tiếng ồn ào bớt đi rồi nói tiếp:

-Chị tuyên bố cho bọn bay biết, rửa lỗ tai trâu để nghe cho thủng nhé lũ đần!

-Con khốn nạn, bọn ông mà bắt được mày nhất định sẽ làm nhục mày trước lũ khố rách áo ôm kia.

-Đây là bãi tha ma Cầu Khoai của làng Bưởi Cuốc, chị đây là Trần Ngọc Hoa, đi không thay tên ngồi không đổi họ, đưa nào muốn thoát kiếp làm ma cứ mạnh dạn bước ra chị giúp một tay không ngại ngần. Còn như chúng bay thích vây, thích quây, thích dọa chị thì cứ chốt giữ ngoài cổng, chị không cản nhưng chị cho chúng bay hay, nghe cho rõ đây!

Chị Ma nói, giọng dõng dạc:

-Nội trong ba đêm, nếu chúng bay còn đóng trại ven đường, không cút đi theo thằng chủ thì chị sẽ cho quân cấm vệ dọn dẹp sạch sẽ, không một đứa nào thoát, nhẹ thì làm ma dưới mương, nặng thì hồn phách tứ tán, muôn kiếp không siêu sinh.

Đáp lại lời của chị Ma, đội âm binh cười ồ lên, vong nào đó cất tiếng:

-Mày tưởng nói vậy mà các ông đây sợ ư? Con nhà quê như mày quanh năm suốt tháng cắm mặt trong cái xó bếp lại dám lớn tiếng dọa các ông, mày gọi cả lò nhà mày ra đây các ông cũng đếch sợ, có phải không, phải không?

-Phải! Con dở hơi kia mau bước ra đây! – Đội âm binh đồng thanh trả lời.

-Cấm vệ quân là thằng đếch nào, đứng ra nói chuyện sao lại để một con đàn bà thay mặt? Lũ kia, chúng mày núp dưới váy đàn bà mà không biết nhục hả? Cả một đám trai tráng, nam phụ lão ấu mà đi nghe lời một con đàn bà mặt hoa da phấn, lũ hèn!

Phạm Chất, tôi nhận ra đây là giọng của ông ta, lên tiếng khích bác. Tôi không cần nhìn nét mặt cũng biết rằng hẳn là Phạm Chất đang tức đến phát điên, có lẽ ông ta đang ước ao túm được chị Ma, hành hạ chị ấy trước khi tiễn vong.

-Ê! Lão già, à không! Thằng trẻ con già đầu kia vẫn chưa tỉnh ra hả? Chỉ với một đội quân Cấm vệ ít ỏi đã làm chúng bay thất điên bát đảo, thiệt hại nặng nề mà vẫn còn to mồm ư? Nội trong ba ngày nữa sẽ có đội Cấm vệ khác đông hơn gấp năm lần đến đây bảo vệ cho ta. Ta đây chính là Công chúa nhà Trần, chúng bay còn chưa thủng ư?

Tôi nghe đến khúc này thì cho là chị Ma đang nói vống lên nhằm dọa nạt tinh thần đối phương chứ chị ấy là Công chúa thật nhưng có thấy quân Cấm vệ theo hầu bao giờ, làm gì có chuyện linh hồn một cô công chúa được chôn trong bãi tha ma sơ sài này chứ. Sở dĩ tôi nghĩ như vậy là vì từ vị trí đang đứng, lúc này tôi chưa biết đội binh gạo rang đã bị tiêu diệt sạch mà nghĩ rằng bọn họ đã rút lui nên âm binh mới tụ lại trước nghĩa địa. Tuy diệt gọn binh gạo rang nhưng đội quân âm binh họ Phạm đã phải trả một cái giá tương đối đắt và đội quân Cấm vệ mà chị Ma đề cập đến chính là đội quân gạo rang.

Tôi nghĩ chị Ma hù dạo nhưng Phạm Chất cùng các đầu lĩnh dưới trướng của ông ta hẳn đã có những suy nghĩ khác vì bọn họ là những người trực tiếp giao chiến và thiệt hại quân số bao nhiêu dĩ nhiên vị tướng âm binh này đã nắm được sơ bộ. Hơn ai hết, chính Phạm Chất hiểu rõ hơn ai hết lời vừa rồi của chị Ma là thật hay giả. Bởi vậy tôi lấy làm lạ khi chị Ma nhắc đến Cấm vệ quân thì ban đầu Phạm Chất có vẻ không tin nhưng sau đó ông ta cùng binh lính dưới quyền bỗng quay sang xì xào bàn tán to nhỏ với nhau.

Tôi lại leo lên cây để nhìn cho rõ mọi chuyện, ngoài hàng quân đứng ngay hàng thẳng lối thì phía bên trong bãi Cầu Khoai, chị Ma đang khoanh tay đứng trên một ngôi mộ được xây kiên cố, dáng vẻ nhìn qua cũng biết là tràn đầy tự tin khiến đối phương thêm vài phần nao núng, bán tín bán nghi.

-“Đám nhát gan, làm gì có quân Cấm vệ nào, chị ấy bốc phét như mà cũng tin cho được, chẳng hiểu các ông có thật sự là những người từng sống dưới lưỡi đao rồi đến lúc thác làm âm binh dọa ma dọa quỷ hay không nữa”.

-Con ranh to gan lớn mật dám dọa bọn ông à? Mày là cái thá gì mà có quân Cấm vệ? Công chúa? Đây không phải đất tổ nhà Trần, một kẻ si độn cũng biết rõ điều này mà ngươi lại mang lừa lọc các ông đây sao?

-Một ả nông dân chính hiệu học đòi làm sang!

-Mày thật to gan dám mạo nhận là Công chúa nhà Trần để lên mặt với bọn quê mùa này chứ gì? Tôi này đáng chết thêm một lần nữa.

-Chung bay cứ đứng đấy mà to mồm thoải mái đi, không ai cấm. – Chị Ma nói. – Đúng sai sau ba đêm nữa, khoảng cuối giờ Hợi các ngươi nhớ mở to hai con mắt ra mà nhìn, ta khuyên.

Dứt lời, chị Ma nhảy xuống đất, vặn vẹo vài động tác như thể đang tập thể dục sau đó chọn một ngôi một thấp hơn gần đó rồi thản nhiên ngồi xuống, bỏ ngoài tai những câu mắng nhiếc vẫn không ngừng vang lên.

Hội ông Tam cùng nhiều hồn ma già trẻ lớn bé khác dường như cũng không còn quan tâm đến âm binh nữa, bọn họ dần trở vê “nhà” của mình, tôi tưởng họ đi… ngủ! Nhưng không, họ mau chóng quay lại với những bánh kẹo, hoa quả và rượu.

-Mấy thằng đang đứng canh ngoài đấy vào đây làm tợp rượu ngắm trăng nào, chúng mày đúng là bọn lắm lời, chửi mãi không biết mỏi miệng hả?

Một trong ba ông Tam cất tiếng, ông khác nói theo:

-Thôi, rượu thịt con cháu trong làng gửi không nhiều nên chúng bay không có phần đâu, đứng đấy ngửi mùi cũng là phước ba đời rồi.

-Canh thì canh cho cẩn thận nhớ! Xe cộ đi lại trên đường đừng có chọc ghẹo người ta coi chừng quan binh túm được thì con cháu lại khổ.

Một bên đứng chửi rủa, bên còn lại ngồi quây thành từng nhóm trong bãi tha ma đánh chen nhưng không ngừng khích bác, cười cợt đối thủ.

Cho đến gần nửa đêm, tôi không thể chờ đợi được nữa đành quyết định ra về, tạm gác những âm thanh ồn ào lại sau lưng, lững thững bước trên con đường làng tối om với một số thắc mắc chưa có lời giải.

Âm binh nhà họ Phạm đã canh me đến tận gà gáy mới lui, tôi nghe nói như thế, có vẻ như họ cay cú và nhất quyết không buông tha cho chị Ma cùng những hồn ma ngoài nghĩa địa.

***


Cử thế vô địch, một cái có thể đánh đều không có