Nguyệt Minh Thiên Lý

Chương 119



Dao Anh lập cam đoan trước mặt Đàm Ma La Già, nói muốn xin tội, đêm đó về chép hai quyển kinh thư.

Hôm sau, thân binh đưa kinh văn đến trước điện, sư trong chùa đang muốn để chung với những quyển kinh văn, tấm gỗ cầu phúc, cáo lỗi của mấy tín đồ khác vào một chỗ, Duyên Giác tìm tới, hỏi: “Kinh văn Văn Chiêu công chúa đưa tới đâu?”

Sư trong chùa bận bịu lục ra. Duyên Giác lấy đi, dặn dò: “Việc này đừng nói cho ai khác.”

Sư chùa bảo được. 

Duyên Giác đưa kinh văn đến trước mặt Đàm Ma La Già. Chàng nhận lấy, dâng trước tượng Phật, niệm kinh vì Dao Anh. 

Lát sau, tụng xong chàng hỏi: “Hôm qua khi Văn Chiêu công chúa bước vào lửa đàn, cậu cũng có mặt à?”

Duyên Giác gật đầu, nói: “Trước đó khi chưa có ai thân binh công chúa lén biểu diễn mấy lần, tôi và Tướng quân A Sử Na đều có mặt, xác định không tổn thương người mới phối hợp công chúa hù dọa mấy vị công chúa khác.”

Nói đến đây, cậu nhịn không được cười trộm. “Vương, ngài không thấy thôi, khi Văn Chiêu công chúa nói muốn bước vào lửa đàn, mấy công chúa kia nhìn người như kẻ điên, công chúa Man Đạt cười lạnh, nói công chúa chỉ dọa người, mới bảo người quăng khăn lụa vào Pháp đàn, khăn lập tức cháy rụi, công chúa Man Đạt choáng váng luôn…”



Không biết thân binh dùng cách thần kỳ gì mà lửa đàn cháy rừng rực toát ra từng sợi lửa xanh lam sẫm, người đứng gần còn cảm giác muốn cháy bỏng, tuyết đọng cũng phải tan. Công chúa Man Đạt và tùy tùng kiểm tra mấy lần, không tìm ra cơ quan nào.

Đến khi Lý Dao Anh giữa ánh mắt chăm chú của mọi người cười bước vào lửa đàn, người xem xôn xao ra tiếng, cận vệ Trung quân chuẩn bị mấy vạc lớn đựng đầy nước, mỗi người ôm sẵn một thùng, không chớp mắt nhìn chằm chằm lửa đàn.

Trong tiếng lửa cháy rực rất lớn, Dao Anh cất bước vào lửa đỏ, gió nóng táp lên mạng che mặt của nàng, khuôn mặt vẫn không hề lộ vẻ sợ hãi.

Cả đám ngây ra nhìn nàng đi qua dòng lửa xanh lam sẫm. Cẩm bào trên người nàng đã bắt lửa, nàng vẫn ung dung không vội, chờ lửa xanh dập tắt, nàng đứng trước lửa đàn, dù y phục đã cháy đen, nhưng vẫn bình yên vô sự.

Nàng bước tới, giơ tay áo còn đang bốc khói thổi thổi, nhìn qua đám công chúa, hỏi, “Ai là người kế tiếp?”

Công chúa các nước liên tiếp lùi lại, mặt xám như tro, công chúa Man Đạt cũng không dám bước lên.



Duyên Giác kể xong, vẫn không nhịn được cười thành tiếng: “Vương, tôi có hỏi thân binh rồi, bản lãnh đó bọn hắn học ở mấy thuật sĩ giang hồ và thầy tế Ba Tư ấy. Bọn hắn nói, nếu lửa đàn mà còn chưa dọa nổi thì còn cách khác, như lăn qua bản đinh, nuốt đinh… chiêu nào cũng đầy dọa người…”

Tay Đàm Ma La Già lần cầm châu, nghe xong, nói: “Về sau mà có chuyện như vậy thì phải về bẩm trước.”

Duyên Giác rét lạnh, cung kính vâng dạ.

Có tiếng bước chân trước cửa, Bàn Nhược vào điện, đến Đàm Ma La Già xin chỉ thị: “Vương, chủ chùa và mấy vị quản sự không biết nên cung phụng hoa ưu đàm bát la ở đâu phù hợp, xin chỉ thị của Vương.”

Tin hoa ưu đàm bát la hiện thế đã lan truyền nhanh chóng, con dân chen chúc chạy đến Vương Tự chiêm ngưỡng hoa thần kỳ. Chủ chùa lo sợ hoa bị hỏng, do dự muốn chuyển hoa vàng vào nội điện, các sư khác không đồng ý, cho rằng nên thờ ở đại điện, để tất cả trăm họ đến đây bái Phật có thể nhìn.

Đàm Ma La Già bình tĩnh nói: “Đã không phải vật thế tục, không cần thờ cúng, cất lại đi.”

Duyên Giác Bàn Nhược đều sửng sốt, thấy vô cùng đáng tiếc.

Bàn Nhược có phần  không cam tâm, chần chừ nói: “Đây là hoa ưu đàm bát la đó ạ, là bảo vật biểu dương công đức của Vương, cứ thu lại vậy không cho nó nhìn ánh mặt trời sao ạ?”

Đàm Ma La Già gật đầu, ờ.

Bàn Nhược dè dặt nói: “Vương, dân chúng không xem được  hoa ưu đàm bát la, sẽ thất vọng, phàn nàn Vương Tự độc chiếm bảo vật ấy.”

“Cất lại.” Đàm Ma La Già nói, giọng điệu uy nghiêm.

Bàn Nhược không còn dám khuyên, ủ rũ cúi đầu đi ra.

Đàm Ma La Già xem bản kinh viết tay của Dao Anh, ngón tay lần cầm châu.

Hoa vàng cho đến cùng cũng không phải thật, trước mặt mọi người nàng dâng lên, cứ thế mà thờ phụng trước Phật, không khỏi lừa gạt Thần Phật, hơn nữa sau này khó tránh khỏi dẫn tới thị phi, cất đi vẫn hay hơn.

Tuy xưa nay nàng không để ý mấy chuyện này..

Yên tĩnh một lát, một cận vệ ở ngoài cửa ôm quyền, nói: “Vương, y giả Thiên Trúc cầu kiến.”

Đàm Ma La Già đeo cầm châu lên, nhẹ gật đầu. Duyên Giác hiểu ý, ra hiệu y giả Thiên Trúc nhập điện.

Y giả Thiên Trúc bưng một chiếc hộp quý vào điện, hành lễ với Đàm Ma La Già, nói: “Vương, tiểu nhân đã điều phối thuốc viên cho Văn Chiêu công chúa xong, lần đầu công chúa uống một viên trước, nếu không thấy quá mức khó chịu, sau này cứ mỗi mười ngày uống một lần, chỉ cần một hai năm sẽ có thể khỏi hẳn, sau này không cần phải dùng đến Ngưng Lộ Hoàn nữa.”

Ông đưa một phần toa thuốc cặn kẽ cho Duyên Giác, Duyên Giác mang đến trước thư án.

Đàm Ma La Già cầm lấy xem một lát, cặp mày khẽ nhíu: “Mạn Đà La?”

Tim Y giả Thiên Trúc siết chặt, thầm nói, Đề Bà Mông Đạt nói quả không sai, bản thân Quân chủ Vương Đình tinh thông dược lý, tuyệt đối không thể cho rằng ngài ấy là một Quân chủ tự đại khinh cuồng mà tùy ý lừa gạt.

“Hồi bẩm Vương, Mạn Đà La tính ấm, dù có độc nhưng cũng có thể dùng để trị liệu, cánh hoa có thể dừng suyễn, kiềm ho khan, nhất là còn có thể giảm đau và gây tê. Công chúa sinh non, muốn khử tận gốc, không thể không tăng lượng thuốc, lúc thuốc tan sẽ phải chịu nỗi đau mà người thường khó chịu đựng, cho nên trong thuốc viên phải buộc thêm một ít Mạn Đà La.”

Nói xong, ông cung kính nói: “Khi công chúa uống thuốc, tiểu nhân sẽ đợi cùng một bên, nếu công chúa có bất kỳ bất trắc nào, tiểu nhân nguyện lĩnh tội.”

Đàm Ma La Già thả toa thuốc xuống, “Y giả không cần phải vậy.” Chữa bệnh vốn phải có nguy hiểm, chính chàng là người bệnh biết rất rõ, hỏi thêm một câu đâu phải để trách tội, chỉ muốn hỏi rõ hậu quả khi dùng thuốc. 

“Văn Chiêu công chúa có ở tiền điện không?” Chàng hỏi Duyên Giác.

Duyên Giác lắc đầu, trả lời: “Hôm nay công chúa đi sân diễn võ.” Buổi sáng thân binh có nói.

Đàm Ma La Già nói: “Khi nào nàng về, mời nàng ấy đi hầm đá.”



Ngày điển lễ thứ hai là đại hội tỷ võ, người thắng được khen thưởng phong phú, người thua cũng không tay không mà về. Bên cạnh đó, sứ đoàn các nước còn ra bảo vật riêng phần mình làm phần thưởng ban cho bên thắng, người Vương Đình và dũng sĩ các nước nô nức tấp nập tham gia, hết sức náo nhiệt.

Trước đó Dao Anh cũng chọn lấy mấy vật trân bảo có giá trị không nhỏ làm tặng thưởng, chọn lấy một chỗ ngồi.

Nàng để thân binh tham gia tranh tài phi ngựa và kỵ xạ, bản thân thừa lúc so tài đi trên sân xem thi đấu, âm thầm quan sát từng chiến mã, mã cụ dũng sĩ bộ lạc cưỡi và sử dụng.

Pháp bảo giúp Hải Đô A Lăng chiến thắng có mấy thứ: Kỵ binh nghiêm chỉnh huấn luyện, sức nhẫn nại cao, có thể di chuyển nhanh chóng, vũ khí trang bị số lượng lớn, chiến mã có sức chịu đựng cao và khả năng chịu tải trọng nặng, số lượng dư dả.

Không thể xem thường tác dụng của ngựa, mức độ tốt xấu của ngựa quyết định lực chiến đấu của binh đội mạnh yếu, năm đó Hán Vũ Đế để đạt được Hãn Huyết Bảo Mã phí hết tâm huyết, chính là vì cải tiến chiến mã trong quân, tăng thực lực đội quân.

Trước mắt, do mấy năm liên tục chiến loạn, Trung Nguyên mất đi Hà Lũng, đánh mất vùng cung cấp chiến mã tốt, binh đội các nước phần lớn dùng ngựa Tây Nam hành quân.

Ngựa Tây Nam thích hợp vận chuyển ở vùng đồi núi, nhưng dáng vóc nhẹ, thấp bé, chịu tải trọng kém xa ngựa cao to, nếu gánh túi nước lương khô cung tiễn, thì lại không thể gánh thêm một binh sĩ mặc áo giáp nặng nề, nên binh sĩ không thể mặc giáp, chỉ có thể dùng khiên da để phòng hộ. 

Hơn nữa, thể lực và sức bật của ngựa Tây Nam đều không đủ, không thể nhanh chóng hành quân, không thể phát động tập kích, bởi vậy, quân Trung Nguyên không thể giống kỵ binh  Bắc Nhung dùng kỵ binh xông trận.

Vì lẽ này, Trung Nguyên không xây dựng được đội kỵ binh lớn mạnh, hành quân tác chiến đều lấy bộ binh làm chủ.

Nhưng chỉ dựa vào bộ binh thì không cách nào đoạt lại Hà Lũng, càng không có cách nào chiến thắng Bắc Nhung.

Dao Anh thầm nghĩ, chiến mã mà quân sau này của Hải Đô A Lăng cưỡi có lẽ đến từ mấy bộ lạc khác, nếu có thể trước khi y cải thiện quân mã mà phá hỏng kế hoạch thì tốt rồi.

Tất Sa từ sân so tài bước xuống, thấy Dao Anh bên sân, nhướng mày nhắc nhở nàng: “Người nhìn sang kia xem.”

Dao Anh nhìn theo hướng ngón tay anh ta, một bóng người lén la lén lút lập tức rút vào trong đám đông.

Tất Sa nói: “Là người sứ đoàn nước Tì Ra Ma La, hai hôm nay họ nghe ngóng chuyện của người khắp nơi.” Mấy công chúa nước khác đều nản cả, chỉ còn công chúa Man Đạt không hề có dấu hiệu từ bỏ.

Mày Dao Anh nhẹ chau. Tất Sa an ủi nàng: “Cuối tháng này sứ đoàn Tì Ra Ma La chắc chắn phải rời đi, công chúa Man Đạt có không cam tâm cũng không có lý do ở lại. Mấy hôm nay công chúa cần đề phòng họ, qua tháng sẽ không sao.”

Dao Anh gật đầu.

Buổi chiều, hai người cùng về Vương Tự, Duyên Giác chờ ở cửa, bảo Đàm Ma La Già mời Dao Anh qua.

Tất Sa dừng bước, vẻ kinh ngạc lướt qua khuôn mặt. “Hôm nay Vương muốn gặp Văn Chiêu công chúa à?”

Duyên Giác gật đầu.

Tất Sa như bị lén nện một gậy, hai tay nắm lại.

Dao Anh vừa vặn có chuyện tìm Đàm Ma La Già, không để ý đến vẻ kỳ lạ của anh ta, nói với Duyên Giác: “Cậu chờ tí, ta quay về lấy ít đồ.”

Duyên Giác bảo được, đứng ngoài viện đợi nàng. Tất Sa không đi, cũng chờ một bên.

Duyên Giác liếc anh ta, nhỏ giọng nói: “Tướng quân, Vương không có triệu kiến ngài.”

Mặt Tất Sa không lộ cảm xúc, nói: “Không phải Vương gặp công chúa ở thiền thất à? Ta cũng muốn đi thiền thất, cũng tiện đường, vừa vặn đi cùng.”

Duyên Giác lắc đầu: “Hôm nay không phải ở thiền thất.”

Mi tâm Tất Sa nhảy dựng, hỏi: “Thế ở đâu?”

Duyên Giác gãi da đầu, nói: “Ở thiền phòng bên hầm đá, cách Hình đường rất gần, Vương đã qua bên ấy.”

Phần lớn viện lạc bên phía Hình đường bỏ trống, hiếm có người qua lại, hôm trước tự dưng Đàm Ma La Già cho người quét dọn thiền phòng, sau không nhắc lại, cậu buồn bực rất lâu, giờ mới biết thì ra là Vương chuẩn bị cho hôm nay.

Tất Sa nghe được mấy chữ hầm đá và Hình đường, chấn động cả người, không dám tin mở to hai mắt.

Bên kia, Dao Anh cầm theo món đồ đi ra, Duyên Giác đón lấy, dẫn nàng rời đi.

Dao Anh theo cậu qua hành lang, rừng Tháp, hành lang dài, đi đến một góc trước hầm đá. 

Hầm đá khuất ở một góc hẻo lánh, cách vách đá chỗ hang đá đục đầy lỗ lớn nhỏ kia một đường hành lang đen nhánh, nói là hầm đá, thật ra nhìn giống một phòng ở hơn, trước hiên trồng một gốc cây, có điều cành trụi lủi, nhìn không ra cây gì.

“Pháp sư ở trong ấy à?” Dao Anh nhỏ giọng hỏi, nàng không thấy cận vệ Trung quân bảo vệ. 

Duyên Giác gật đầu, nói: “Công chúa vào đi.”

Dao Anh ôm bọc đồ đi vào, hầm đá là một không gian đào ra từ vách núi, ban ngày cũng có tia sáng lờ mờ, bên trong thắp đèn, chụp xuống cả phòng ánh sáng mờ ảo.

Đàm Ma La Già đưa lưng về phía nàng, ngồi trên bồ đoàn dưới đèn. Ánh nến chập chờn lồng quanh người chàng, cà sa màu đỏ như lửa.

Dao Anh bước đến: “Pháp sư tìm tôi ạ?”

Đàm Ma La Già nghiêng đầu nhìn nàng, cằm chàng hướng về giường thấp nhẹ điểm. Dao Anh đi đến trước giường thấp ngồi xuống, buông bọc đồ, chờ chàng mở miệng.

Đàm Ma La Già mở chiếc hộp lấy thuốc viên đưa cho Dao Anh. “Y giả điều chế thuốc viên cho công chúa, ta đã xem qua, công chúa uống một viên trước, có thể sẽ có chút khó chịu, nếu khó chịu…”

Còn chưa nói xong, Dao Anh đã lấy viên thuốc, nuốt xuống, rót cho mình một chén trà, chậm rãi uống mấy ngụm.

Đàm Ma La Già: …

“Công chúa không hỏi đây là thuốc gì à?”

Dao Anh cười một tiếng, mắt sáng lấp lánh như ánh sao lay động: “Pháp sư tìm y giả cho tôi, chắc chắn là thuốc hay chữa bệnh, cảm ơn Pháp sư.”

Đàm Ma La Già nhìn nàng thật lâu, dời mắt.



Bên ngoài Vương Tự. 

Tất Sa vẫn ở nguyên tại chỗ, đứng một lúc lâu, nhắm cặp mắt, xoay người ra khỏi Vương Tự.

Phía ngoài Vương Tự tín đồ thành kính hướng về điện chính quỳ lạy như nước chảy, nhìn qua, phố dài đen nghịt người. 

Tất Sa cưỡi ngựa, xuyên qua giữa đám đông chật như nêm cối, tâm tư hoảng hốt.

Trở về phủ, anh ta gọi bộ hạ hỏi chuyện quân vụ một lát, Mạc Bì Đa đến hỏi thăm chuyện phát binh, hai người vừa uống rượu vừa nói, không biết chạng vạng tối từ lúc nào, đợi Mạc Bì Đa rời đi, anh ta đã say chuếnh choáng, nằm xuống ngáy o o.

Anh mơ một giấc. 

Trong mơ, là anh ta thời niên thiếu quỳ gối trước giường trong hầm đá, một ông lão thoi thóp trên giường, đôi tay khô gầy không ngừng run rẩy, trịnh trọng đưa cho cậu ấy một thanh đao lấp lánh sắc lạnh. “Tất Sa, con hãy thề với ta.”

Cả người Tất Sa phát run, không dám nhận chuôi đao kia, “Sư tôn… thật sự con làm không được!”

Cặp mắt đục ngầu của ông lão nhìn cậu chăm chú một lúc lâu, thở dài. “Gọi Duyên Giác đến.”

Tất Sa rét lạnh, nhào tới trước nhận lấy chuôi đao.

Sau một khắc, ông lão và đao cùng biến mất.

Anh ta lại thấy một tòa Phật điện trống rỗng, ánh nến mờ mịt, hương trầm lượn lờ.

Một vị sư ngồi xếp bằng trên Pháp đài trước Phật, nét mặt tươi sáng, đôi mắt xanh như giấu cả hoa sen, người vận tăng y rộng rãi, quanh thân được bao bọc bởi ánh nến và hương trầm, thanh lãnh cao quý, bóng bẩy xuất trần.

Nhìn ngài ấy thánh khiết trang nghiêm thế, nhưng trong ngực lại ôm một nữ tử xinh đẹp da trắng hơn tuyết, mặt nữ tử ngó ngài, đôi tay trắng quấn cổ ngài thật chặt. Hai người ngồi đối diện nhau, ngài cúi đầu nhìn nàng.

Ngoài Phật điện vang tới một trận bước chân dồn dập, vô số ánh đuốc tụ tập về Phật điện, lốm đa lốm đốm, rực rỡ như ngân hà. 

Có người đá văng cửa chính, trong tiếng loảng xoảng, một thanh trường đao chém đến người nữ tử trong ngực vị sư. 

Vị sư ngửa mặt lên, mồ hôi dầm dề trên người, ẩm ướt phản quang, trên khuôn mặt tuấn mỹ lạnh tanh tràn đầy sát khí.

Đôi mắt xanh biếc vốn luôn bình tĩnh không dao động, đỏ như máu.

Tất Sa nhìn ngài, giơ lên trường đao.



Gió mát từ kẽ hở thổi vào trong phòng, màn nỉ lắc lư.

Tất Sa từ trong cơn mơ bừng tỉnh, toàn bộ chuếnh choáng đã tan, cả người đầy mồ hôi lạnh, ngồi một lát, xoay người khoác áo mặc giày, vội vã chạy tới Vương Tự.

Duyên Giác nhìn thấy anh ta đầu đầy mồ hôi, khẽ giật mình, hỏi: “Tướng quân có quân tình khẩn cấp phải bẩm báo hả?”

Tất Sa không trả lời mà hỏi lại: “Vương từ hầm đá về chưa?”

Duyên Giác lắc đầu: “Vương còn chưa về.”

“Văn Chiêu công chúa về rồi chứ?”

Duyên Giác tiếp tục lắc đầu: “Hình như cũng chưa…”

Sắc mặt Tất Sa âm trầm như nước, siết chặt cậu ta: “Dẫn ta đi gặp Vương! Lập tức! Ngay lập tức!”